Nằm ngay giữa trung tâm thành phố hiện đại, ẩn mình sau những tán cây đại thụ, có một Bảo tàng Điêu khắc Chăm nguy nga, đã tồn tại hơn một thế kỷ. Với những nét kiến trúc độc đáo cùng kho tàng trưng bày phong phú, nơi đây không chỉ thu hút những quan khách yêu thích tìm hiểu về cổ vật và lịch sử, mà còn là một địa điểm check-in mới của giới trẻ Đà Nẵng. Cùng Hi Đà Nẵng khám phá xem, điều gì đã thu hút những người trẻ tìm đến với những giá trị xưa cũ này nhé!
Toc
Đôi nét về Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Bảo tàng điêu khắc Chăm còn được gọi là Cổ viện Chàm và cùng có tên gọi đầy đủ là Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa, nằm tại số 2 đường 2/9, thành phố Đà Nẵng – một vị trí ngay trung tâm thành phố, đối diện với Đài truyền hình VTV8 và chân cầu Rồng.
Bảo tàng được đưa vào xây dựng năm 1919 và mất đến 5 năm để thực hiện. Với diện tích lên đến 6673m2, trong đó có 2.000m2 là diện tích để trưng bày các di vật cổ, đây là một trong những nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật văn hóa Chăm Pa lớn nhất hiện nay.
Là một trong những bảo tàng lớn của Đà Nẵng, từ rất lâu, nơi đây từ lâu không những là điểm đến yêu thích của những người yêu lịch sử và kiến trúc Chăm mà còn là một địa điểm check-in mới của giới trẻ Đà Nẵng.
Những điều thú vị tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Với diện tích khá lớn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm có rất nhiều không gian để những quan khách yêu nghệ thuật có thể khám phá và chiêm ngưỡng những nét độc đáo tại công trình hơn 100 năm tuổi này.
Tham quan không gian kiến trúc Gothic độc đáo
Được thiết kế và xây dựng thời kỳ thực dân bởi hai kiến trúc sư người Pháp, Bảo tàng Điêu khắc Chăm mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Gothic. Sau nhiều lần trùng tu và mở rộng, bảo tàng vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng của kiến trúc ban đầu với các mái hình vòng cung có đầu nhọn giúp bảo tàng nổi bật, các gian phòng rộng có nhiều cửa sổ cho ánh sáng mặt trời chiếu vào khắp không gian.
Cùng với lối kiến trúc Gothic, các khu trưng bày được lấp đầy cửa sổ tạo nên một tổng thể ngập tràn ánh sáng. Rất nhiều đoàn tham quan, du khách đến đây không chỉ bị ngạc nhiên bởi bộ sưu tập cổ vật đồ sộ mà còn là mê mẩn bởi kiến trúc mang đầy tính nghệ thuật, cùng khuôn viên nổi bật với dàn hoa sứ trắng.
Khám phá các phòng trưng bày cổ vật đặc sắc
Sau hơn 100 năm được xây dựng, cùng với quá trình phát triển của thời gian, số cổ vật hiện tại được cất giữ trong bảo tàng lên đến 2000 món, trong đó 500 cổ vật được trưng bày, cố còn lại được bảo quản trong kho lưu trữ.
Các cổ vật được phân chia thành nhiều khu tùy thuộc vào vị trí mà nó được khai quật và tìm thấy như Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Tháp Mẫm,… để thuận tiện cho quá trình tham quan và tìm hiểu. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật này đều là nguyên bản, được làm từ ba chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng. Các cổ vật hầu hết đều có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của người Chăm Pa. Phần lớn tác phẩm miêu tả các vị thần trong Ấn Độ giáo như: thần Shiva, thần rắn Naga, thần hạnh phúc Laksmi,…
Check-in mãn nhãn với những góc sống ảo xịn mịn
Không phải tự nhiên mà những năm gần đây, khách tham quan, đặc biệt là bộ phận lới giới trẻ Đà Nẵng lại yêu thích check-in tại địa điểm lịch sử này. Từ những bức tường đậm chất kiến trúc Gothic, hành lang, cầu thang,…tất cả sau khi qua lăng kính đều toát lên nét nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Khác với những quán cafe hay những công trình hiện đại quen thuộc, Bảo tàng Điêu khắc Chăm mang lại cho khách tham quan một cảm giác vô cùng đặc biệt, mà chỉ khi đến tham quan, khám phá và check-in mới có thể cảm nhận được.
Giá vé, thời gian mở cửa và một và lưu ý khi tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Một số thông tin cho các bạn khi ghé tham quan Bảo tàng Điêu Khắc Chăm:
- Giá vé tham quan: 60.000 VNĐ/người/lượt;
- Giờ mở cửa: Từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Để du khách có thể tìm hiểu kỹ hơn về bảo tàng cũng như văn hóa Chăm Pa, tại đây còn cung cấp thêm 2 dịch vụ là thuyết minh tự động (Audio guide) và hướng dẫn viên cho đoàn.
Đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ngoài cơ hội được tiếp xúc với những dấu ấn lịch sự, nghệ thuật điêu khắc độc đáo, mọi người còn có thể mang về cho mình những bức ảnh vô cùng “chất”. Đây không chỉ là một trào lưu “check-in” mang tính nhất thời mà sau một khoảng thời gian dài, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn luôn có sức hút nhất định, đặc biệt là đối với giới trẻ. Điều đó đã nhấn mạnh những giá trị lịch sử ngày càng được quan tâm và tìm hiểu, đồng thời khẳng định tính hai chiều của trào lưu check-in.